Diễn thuyết Nước Anh thức tỉnh

Old Town Hall, Kensington; Nơi đây từng gây tranh cãi khi bị phá hủy vào năm 1982 để xây dựng Hội trường thành phố mới theo phong cách Brutalist.[7]

Bà Thatcher đã phát biểu vào tối ngày 19 tháng 1 năm 1976. Bài phát biểu đã được chuẩn bị trước, và một bản sao được đưa cho giới báo chí với điều kiện không được tiết lộ trước 8 giờ tối. So sánh giữa thông cáo báo chí và bài phát biểu thực tế chỉ tiết lộ một số khác biệt nhỏ, chủ yếu về mặt văn phong.[8]

Bà Thatcher bắt đầu bài phát biểu bằng việc khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ chính phủ nào là bảo vệ người dân của mình khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và đặt câu hỏi tu từ rằng chính phủ Đảng Lao động hiện tại có đang làm như vậy hay không. Bà cáo buộc Thủ tướng Harold Wilson cắt giảm ngân sách quốc phòng vào lúc chính phủ đối mặt với mối đe dọa từ bên ngoài lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, (Liên Xô). Thatcher cáo buộc một số thành viên của Đảng Lao động ủng hộ Liên Xô, bà nói rằng Liên bang Xô VIết là một chế độ độc tài, quyết tâm trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và "cố gắng thống trị toàn cầu". Bà Thatcher nhấn mạnh rằng, vì là một chế độ độc tài, "những người đàn ông trong Bộ chính trị Liên Xô không cần phải lo lắng về thịnh suy của nhân dân. Họ ưu tiên vũ khí hơn lương thực, trong khi chúng ta đặt hầu hết mọi thứ lên trên vũ khí".[8]

Thatcher cho rằng, do Liên Xô đã thất bại về mặt kinh tế và xã hội-văn hóa, con đường duy nhất để trở thành siêu cường là thông qua chiến tranh. Trong Hội nghị Helsinki, bà đã cảnh báo thế giới rằng chi phí mà Liên Xô dành cho nghiên cứu quân sự, vũ khí, tàu chiến và vũ khí hạt nhân chiến lược nhiều hơn cả Hoa Kỳ; một số chuyên gia cho rằng Liên Xô đã đạt được ưu thế chiến lược so với Hoa Kỳ. Bà Thatcher cho biết rằng bà sẽ tham dự cuộc diễn tập quân sự của Quân đội Anh tại Đức trong ba ngày, vào thời điểm Liên Xô có ưu thế vượt trội: 150.000 quân thường trực, 10.000 xe tăng và 2.600 máy bay chiến đấu so với NATO tại châu Âu. Bà Thatcher bày tỏ mối quan ngại về năng lực phòng thủ của NATO tại khu vực miền Nam châu Âu, Địa Trung Hải, đồng thời cả vấn đề an ninh của các giàn khoan dầu và tuyến đường biển thương mại. Bà cũng bày tỏ sự không hài lòng khi Anh mất đi các căn cứ hải quân ở nước ngoài, trong khi Liên Xô vẫn tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ mới.[8]

Bà Thatcher đề cập đến các tác phẩm của Aleksandr Solzhenitsyn (ảnh được chụp vào năm 1974)

Bà Thatcher phê phán việc giảm căng thẳng chỉ tạo ra ảo giác an toàn và nhấn mạnh rằng điều này không ngăn được sự can thiệp của Liên Xô vào Nội chiến Angola hay cải thiện điều kiện sống của người dân ở phía sau Bức màn sắt. Bà đề cập đến các tác phẩm của nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Aleksandr Solzhenitsyn, người mô tả Chiến tranh Lạnh như Thế chiến thứ ba, và chứng minh rằng trong những năm gần đây, đó là cuộc chiến mà phương Tây đang thua trận, khi ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Bà đề cập đến các tác phẩm gần đây của nhà văn chính trị Liên Xô Konstantin Zarodov và Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, những người ủng hộ việc thực hiện cuộc cách mạng vô sản trên toàn cầu. Bà khẳng định rằng nếu không hành động, nước Anh có thể tự tìm thấy mình trên "đống đổ nát của lịch sử".[8]

Thatcher cho rằng mọi thành viên NATO cần cùng nhau gánh vác trách nhiệm quốc phòng, đặc biệt khi Hoa Kỳ hạn chế can thiệp vào nước ngoài sau thất bại trong Chiến tranh Việt Nam. Bà nói về việc Đảng Lao động thông báo cắt giảm chi tiêu quốc phòng gần 5 tỷ bảng, và cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Roy Mason nên được gọi là "Bộ trưởng Bất an". Bà Thatcher nhấn mạnh: "chừng nào Đảng Lao động còn tiếp tục cầm quyền, nước Anh sẽ suy tàn". Điều này nhận được sự hoan nghênh của khán giả. Bà đưa ra so sánh chi tiêu quốc phòng của Anh (khoảng 90 bảng mỗi người mỗi năm) thấp hơn so với Tây Đức (130 bảng), Pháp (115 bảng), Hoa Kỳ (215 bảng) và Thụy Điển trung lập (160 bảng). Bà kêu gọi đẩy mạnh ngân sách quốc phòng, mặc dù bà đã phát biểu "Chúng ta nghèo hơn hầu hết các đồng minh NATO. Đây là tàn dư của thảm họa di sản kinh tế do chủ nghĩa xã hội gây ra".[8]

Bà chỉ ra rằng uy tín quốc tế của Anh đã giảm sút, và nói rằng "Khi tôi đi khắp nơi trên thế giới, tôi thấy mọi người liên tục hỏi 'Nước Anh đang gặp vấn đề gì?' Họ tự hỏi tại sao chúng ta trốn tránh trách nhiệm và không đóng vai trò lãnh đạo khi có nhiều kinh nghiệm như vậy". Bà cảnh báo rằng phong trào MPLA đang được Liên Xô hậu thuẫn, đang nhanh chóng chiếm ưu thế tại Angola và đặt ra mối đe dọa hiệu ứng domino đối với các quốc gia lân cận tại châu Phi nếu Angola bị kiểm soát bởi MPLA. Một thất bại như vậy sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề độc lập tại cộng hòa Rhodesia trở nên phức tạp hơn, khi người da trắng đang đối mặt với cuộc Chiến tranh du kích Rhodesia chống lại các nhóm chủ nghĩa dân tộc da đen được cộng sản ủng hộ. Bên cạnh đó, chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.[8]

Bà Thatcher và Thủ tướng Robert Muldoon gặp mặt tại Wellington, New Zealand, vào tháng 9 năm 1976.

Thatcher cam kết rằng đảng Bảo Thủ sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại gắn bó chặt chẽ với Hoa Kỳ và đề nghị tăng cường quan hệ hợp tác với các nước châu Âu cũng như các quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung, bao gồm Úc, New Zealand và Canada. Bà đã chúc mừng Thủ tướng Úc Malcolm Fraser và Thủ tướng New Zealand Robert Muldoon đã đắc cử tại cuộc bầu cử năm 1975 (cả hai người đều đánh bại các đối thủ có tư tưởng xã hội chủ nghĩa). Bà Thatcher kêu gọi cả nước "Phải kiên quyết bảo vệ các giá trị liên quan đến quyền lợi và tự do của nền văn minh phương Tây".

Bà nhấn mạnh vị thế của nước Anh trong Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và kêu gọi các và kêu gọi các thành viên giữ vững bản sắc đặc trung của quốc gia, chống lại những động thái hướng tới sự đồng hóa.[8] Bà cảnh báo về nguy cơ phe cộng sản sẽ đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử Ý năm 1976, trong "một năm khó khăn phía trước" (thời điểm này có những lo ngại về sự tái xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản châu Âu và khả năng đắc cử của phe cộng sản tại Ý và Bồ Đào Nha).[9][8] Bà kêu gọi lực lượng cảnh sát và dịch vụ an ninh của các quốc gia EEC và NATO hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời ca ngợi cảnh sát Anh vì đã ứng phó hiệu quả với các vụ khủng bố gần đây (bao gồm các vụ khủng bố ở London do IRA Lâm thời thực hiện, cũng như việc bắt giữ bốn thành viên IRA trong Cuộc bao vây phố Balcombe năm 1975).[10][8] Tại đoạn này, Thatcher đã bỏ qua một số phần phát biểu trong văn bản dự phòng (trong trường hợp thiếu thời gian). Phần văn bản bị bỏ qua ghi nhận rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Anh đã suy yếu dưới chính sách của Đảng Lao động, và lưu ý rằng "sức mạnh quân sự của Liên Xô sẽ không biến mất chỉ vì chúng ta làm lơ nó".[8]

Bà Thatcher kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách khẳng định rằng Đảng Bảo thủ vẫn tin tưởng vào sự vĩ đại của Vương quốc Anh, và có "nhiệm vụ tối cao là đánh thức công chúng Anh khỏi giấc ngủ dài". Những câu cuối cùng của bà là: "Trong lịch sử chúng ta, có những khoảnh khắc chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Đây chính là một trong những khoảnh khắc như vậy - một khoảnh khắc mà sự lựa chọn của chúng ta sẽ quyết định sự sống còn của xã hội của chúng ta, - và tương lai của con em chúng ta. Hãy đảm bảo rằng thế hệ mai sau sẽ có lý do để tự hào vì chúng ta đã không tước đi tự do của họ" .[8] Một phần bài phát biểu đã được phát sóng trên đài phát thanh BBC lúc 10 giờ tối đêm đó..[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nước Anh thức tỉnh http://www.britannica.com/EBchecked/topic/590098 https://books.google.com/books?id=k6pQAQAAIAAJ https://books.google.com/books?id=O3uDAgAAQBAJ https://books.google.com/books?id=qJYHAQAAMAAJ https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/... https://www.loc.gov/rr/record/pressclub/pdf/Margar... https://www.margaretthatcher.org/document/102770 https://www.margaretthatcher.org/document/102939 https://www.margaretthatcher.org/document/102947 https://www.google.co.uk/books/edition/Iron_Lady/O...